Lượt xem: 243

Hiệu quả của tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Chương trình số 26-CTr/TU, ngày 12/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, tỉnh Sóc Trăng đã đạt được những kết quả quan trọng

    Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương và Chương trình số 26-CTr/TUcủa Tỉnh ủy, công tác phổ biến, quán triệt các chủ trương về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy, chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện đạt một số kết quả quan trọng. Các chỉ tiêu cơ bản về y tế và sức khỏe giai đoạn 2018 - 2022 đã góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giữa nhiệm kỳ, cũng như mục tiêu đề ra đến năm 2025, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân trong tỉnh; từng bước tiến tới công bằng, chất lượng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.

    Hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng hoàn chỉnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở được chú trọng, phát triển; các cơ sở khám chữa bệnh được kết nối, đáp ứng theo mô hình bệnh tật và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân; thực hiện phân tuyến kỹ thuật, thực hiện lộ trình liên thông khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao y đức, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế ngày càng tốt hơn; các bệnh viện thực hiện tốt các thủ tục tiếp đón, khám bệnh, nhập viện, ra viện, thanh toán cho bệnh nhân; phát triển đội ngũ làm công tác xã hội tại bệnh viện, tổ chức hướng dẫn người bệnh trong quá trình khám bệnh và điều trị, xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh, trong nhiều năm không có phản ảnh, khiếu nại của người bệnh về tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân.

    Đổi mới cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã, triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế, quản lý công tác tiêm chủng, quản lý sức khỏe, khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ. Triển khai hệ thống sổ sức khỏe điện tử đến từng người dân; cập nhật các thông tin, chỉ số sức khỏe khi đi khám sức khỏe, chữa bệnh. Triển khai xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp, từng bước thực hiện để tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe, khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ; công tác phòng, chống dịch bệnh luôn chủ động, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh dịch mới nổi và tái nổi. Tăng cường tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện tốt các giải pháp cân đối sử dụng hợp lý Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, từng bước đáp ứng sự hài lòng của người dân.

    Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện; tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính bảo đảm kịp thời; triển khai tốt việc thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các cơ sở khám, chữa bệnh với cơ quan Bảo hiểm y tế phục vụ quản lý thông tuyến và giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Việc cung ứng thuốc tại các cơ sở y tế thực hiện theo kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương, bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm thuốc hằng năm theo kế hoạch; chất lượng thuốc trên địa bàn toàn tỉnh ổn định, không có thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc bị đình chỉ lưu hành tại các cơ sở. Khuyến khích sử dụng thuốc sản xuất trong nước, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” của Bộ Y tế và thực hiện kế hoạch công tác dược của tỉnh.

    Trong 10 mục tiêu cụ thể, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương và Chương trình số 26-CTr/TUcủa Tỉnh ủy, tổng số người tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh là 1.123.551 người, tỷ lệ bao phủ đạt 93,8% dân số. Phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế và đến năm 2030 đạt mục tiêu trên 95% dân số. Công tác tiêm chủng mở rộng đã duy trì thực hiện 100% xã, phường, bảo đảm chất lượng, không có tai biến sau tiêm chủng. Trong năm 2022, tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi là đạt 65% do Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia không cung cấp đủ một số loại vắc xin. Về công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, theo số liệu công bố của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, năm 2022 tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi là 11%, chiều cao theo tuổi là 21,7% và cân nặng theo chiều cao là 4,6%. Về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, năm 2022 ghi nhận 3.138 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2.881 ca so với cùng kỳ năm 2021 (3.138/261); 2354 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 1637 ca (228%) so với cùng kỳ (717 ca) và không có trường hợp tử vong. Các bệnh truyền nhiễm khác như viêm não virus, sởi và các bệnh truyền nhiễm khác không ghi nhận trường hợp mắc. Trong làn sóng COVID-19 lần thứ 4, từ ngày 27/4/2021 đến nay tỉnh Sóc Trăng có 34.729 ca mắc bệnh và 648 ca tử vong. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và liều nhắc lại đạt 100% cho tất cả các nhóm đối tượng từ 5 tuổi trở lên theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

    Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình số 26-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã có những chuyển biến tích cực; các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở xem đây là một trong những nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên lồng ghép trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đặc biệt, việc nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc và tuổi thọ; phòng, chống bệnh tật; bảo vệ môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; cung cấp nước sạch; giáo dục thể chất, rèn luyện thể dục thể thao, góp phần từng bước xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc tốt sức khỏe,... Từ đó, tác động tích cực, lâu dài tới hiệu quả của các chương trình giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và những thành tựu phát triển bền vững của tỉnh.

Hồng Nhi



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 58
  • Hôm nay: 5437
  • Trong tuần: 76,144
  • Tất cả: 11,799,464